Giải pháp nào ngăn ngừa nạn lừa đảo tiền ảo, đa cấp tại Việt Nam?

tieusuphu

Staff member
Admin
Bài viết
621
Điểm tương tác
386
Điểm
63

Thảo luận: Giải pháp nào ngăn ngừa nạn lừa đảo tiền ảo, đa cấp tại Việt Nam?​


Như trong bài viết trước chúng tôi đã viết, VTV là một hệ thống truyền thông lớn và tin cậy nhất trong nước hiện nay, cùng không ít báo chí, diễn đàn thường xuyên đưa tin về nạn lừa đảo tiền ảo, đa cấp. Nhưng số người bị lừa vẫn rất rất nhiều, trải dài trên toàn quốc qua hàng trăm dự án. Tại sao lại như vậy?
Chúng tôi đưa ra một số vấn đề như sau để bạn đọc cùng xem xét và thảo luận:
1. Hiện nay sức lan toả của truyền hình, truyền thanh và báo chí đã bị suy giảm rất nhiều do sự cạnh tranh của Facebook, Youtube, Tiktok… Mặc dù thông tin từ truyền thông chính thống được xây dựng rất công phu và tốn kém.

2. Một số kênh của VTC, ANTV… đã có trên Youtube, Facebook với lượng xem đáng kể nhưng so với độ phổ biến của các kênh tin vịt, nhảm nhí thì còn kém xa. Vào trang chủ Youtube hay Facebook Watch chúng ta lập tức nhìn thấy các bản tin top đầu là của những kênh tự phát, không chính thống. Điều này đặt ra một vấn đề trong quản lý tin tức trên MXH của chính phủ; đồng thời các nhà đài, báo chí cũng phải tự xem lại cách thức để nâng cao độ phủ, sức hấp dẫn của các chương trình trên chính các nền tảng này (việc này đồng thời làm tăng doanh thu cho họ). Về lý thuyết mà nói, khi vào mục tin tức của Youtube hay các nền tảng khác, VTV, VOV và các báo lớn phải xuất hiện ở đầu tiên.

3. Người dân Việt Nam được xem nhiều thông tin về các vụ việc lừa đảo tài chính nhưng chưa được truyền tải những kiến thức hay nguyên tắc cơ bản để không bị lừa đảo. Điều này truyền thông chính thống Việt Nam chưa làm được. Chúng tôi thí dụ: Người dân phải được cảnh báo rằng các hình thức huy động vốn lãi suất cao bất thường thì có nguy cơ lừa đảo rất cao; người dân phải được “dạy” rằng không nên tham lam thái quá, không thể “không làm mà vẫn có ăn”…v.v… Những thông điệp cơ bản như vậy có tác dụng rất tốt.

4. Cách thức đưa thông tin của truyền hình, báo chí còn hơi dài dòng, khó tiếp cận. Thay vì các bản tin công phu, phức tạp, các đơn vị nên đưa các tin ngắn với tần suất nhiều hơn trong ngày sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.

5. Các cơ quan điều tra và quản lý có liên quan dường như chưa nắm được hết quy mô và hậu quả của các vụ việc này, cách tiếp nhận và xử lý còn thiếu quyết liệt? Nhìn chung các cơ quan tư pháp và hành pháp tại Việt Nam chú trọng vào các vụ án có chứng cứ rõ ràng (dù chỉ là một tờ giấy viết tay vay mượn 10 triệu đồng) hơn các vụ án phức tạp như tiền ảo, forex (dù mất hàng chục tỷ đồng), do vậy người bị hại cảm thấy bị bỏ rơi, thấy cơ quan tiếp nhận vụ việc là vô cảm, thiếu trách nhiệm hay bất lực. Nhiều nguồn tin còn nói rằng, bọn lừa đảo chiếm được hàng ngàn tỷ đồng nên việc “lo lót” để kéo dài các vụ án hay cho chìm xuồng là dễ xảy ra. Rõ ràng, nếu chính phủ nhìn thấy và muốn người dân không bị lừa đảo nữa, các cơ quan thực thi pháp luật phải có cách tiếp cận và làm việc khác đi. Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng số tiền bị hại trong các vụ án tiền ảo, đa cấp… lớn hơn tất cả các vụ việc lừa đảo bất động sản, cướp ngân hàng và lớn hơn cả nhiều đại án tham nhũng.

6. Liệu có hay không một thế lực đang chống lưng cho các hoạt động lừa đảo tiền ảo na ná như nhau từ thời ifan năm 2017 đến nay? Giống như trường hợp nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát (Bộ công an) Phan Văn Vĩnh cùng ekip của mình đã làm bình phong cho Phan Sào Nam và hệ thống đánh bạc online trái phép hoành hành suốt bao nhiêu năm. Việc này chỉ thời gian mới có thể trả lời.

7. Nước ta hiện đã đã có rất nhiều những hội, hiệp hội được tạo ra với chức năng, nhiệm vụ na ná như nhau nhằm bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp, thương hiệu… nhưng chưa có một hoạt động hay chiến dịch cụ thể nhằm chống lại nạn lừa đảo kinh khủng này trong suốt 4-5 năm qua. Nhiều hội được lập ra để kiếm tiền, để tổ chức sự kiện trao cúp vàng/danh hiệu, thậm chí để “đánh đấm” chính doanh nghiệp hay người dân. Nếu vẫn còn những hội, hiệp hội có tâm với xã hội, tiếng nói của họ và những chương trình hành động sẽ phát huy hiệu quả. Và sẽ tốt hơn nữa nếu chính phủ hay quốc hội để tâm và có giải pháp cụ thể, dù chỉ đơn giản là mang tính tuyên truyền, giáo dục người dân.

8. Hiện nay đã có một số website, group trên MXH được xây dựng tự phát với mục đích chống lừa đảo nhưng hoạt động manh mún, không có ý nghĩa nhiều. Rõ ràng cơ chế tự phát sẽ không thể giải quyết được vấn đề. Ai sẽ đưa thông tin, điều tra, kết luận? Ai đảm bảo tính khách quan, minh bạch? Website hay ứng dụng như vậy không gì khác chỉ để lưu trữ, tìm kiếm một cách đơn thuần. Điều quan trọng nhất với một hệ thống như vậy là thông tin và tính lan toả của nó với cộng đồng.

9. Tại một số quốc gia tiên tiến trên thế giới, các tổ chức chống lừa đảo thường trực thuộc công an hay cảnh sát. Họ thường xuyên tổ chức các sự kiện tuyên truyền, cổ vũ hay các cuộc thi chống lừa đảo… có sức ảnh hưởng lớn.
Chúng tôi muốn nghe những ý kiến và giải pháp của bạn về vấn đề này! Chúng ta hãy cùng chung tay chống lại nạn lừa đảo tiền ảo, đa cấp; làm trong sạch nền kinh tế; để người dân không còn phải rơi vào cảnh mất mát, nợ nần chồng chất hay tan cửa nát nhà.
Chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến và gửi một bản kiến nghị đại diện tới chính phủ hay cơ quan chức năng về vấn đề này trong tương lai!
 
Bên trên